Gần 300 đơn vị thuộc Trường Chính sách công, Cục Bảo vệ thực vật, hiệp hội... tham gia hội nghị "Phổ biến quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu" - Ảnh: NHẬT XUÂN
Thông tin được bà Nguyễn Thị Thu Hương - phó cục trưởngCụcBảo vệ thực vật - chia sẻ tại hội nghị "Phổ biến quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu" tại TP.HCM ngày 20-4.
Thu hồi mã số vùng trồng do không đạt yêu cầu kỹ thuật
Theo bà Hương, nguyên nhân mã vùng trồng bị thu hồi nhiều nhất do không đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật.
Khó hơn, hiện nay, các mã số vùng trồng không chỉ phải chịu sự giám sát của địa phương, Cục Bảo vệ thực vật mà còn phải chịu sự giám sát của cả nước nhập khẩu.
"Các nước nhập khẩu có tần suất giám sát khác nhau từ hằng tháng tới hằng năm. Riêng Trung Quốc, việc giám sát diễn ra định kỳ hằng tuần đối với các tỉnh có sản lượng nhập khẩu lớn hoặc các cá nhân từng có lịch sử vi phạm", bà Hương nói.
Cụ thể, mỗi tuần Trung Quốc sẽ chọn ra 18 - 24 mã số vùng trồng bất kỳ theo chuyên đề như sầu riêng, chanh leo, ớt, khoai… và việc giám sát thường diễn ra online.
Bên cạnh đó, bà Hương cũng cho biết một số doanh nghiệp và người sản xuất còn thiếu kiến thức về các quy định của nước nhập khẩu, đặc biệt kiến thức về quản lý sinh vật gây hại, ghi chép hồ sơ.
Nhiều nơi đến vụ thu hoạch mới thu gom nông sản từ các vùng trồng dẫn đến nhiều đơn vị không ký kết hợp đồng bao tiêu từ đầu để định hướng tổ chức sản xuất cho phù hợp với quy định của nước nhập khẩu.
Mải mê chạy theo mã mới bỏ quên mã cũ
Một trong những nguyên nhân lớn khác khiến nhiều mã số vùng trồng bị thu hồi là do nhiều địa phương chỉ chú ý đến các mã số cấp mới mà chưa quan tâm tới việc duy trì, giám sát các mã số đã cấp.
Theo bà Hương, điều này dẫn đến các vùng trồng cũ không được giám sát nghiêm ngặt, không ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác, thường xuyên thiếu nhiều thông tin hay thông tin không thống nhất trong hồ sơ hoặc thực tế kiểm tra.
Nhiều mã vùng trồng cũng chưa áp dụng đúng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại, đặc biệt là giám sát sinh vật gây hại theo tiêu chuẩn ISPM số 6. Chưa có biện pháp quản lý, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Tiếp đó, vệ sinh vườn trồng chưa tốt, không thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, không có bể chứa bao bì...
Sản phẩm thu hoạch để vào sọt tiếp xúc trực tiếp với mặt đất, điểm tập kết sản phẩm tạm thời, việc vận chuyển sản phẩm từ khu vực thu hái về điểm tập kết và di chuyển đến chỗ bán không được che đậy.