'Vua tôm', đại gia gà và trứng lỗ nặng

08/05/2023 12:05
Kết thúc quý I/2023, ghi nhận nhiều ông lớn ngành nông nghiệp gặp khó khăn với lợi nhuận âm mạnh, ngay cả 'vua tôm' Minh Phú lần đầu báo lỗ sau 7 năm.

 

"Vua tôm" lần đầu lỗ đậm sau 7 năm

Kết thúc quý I/2023, kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) lần đầu tiên lỗ theo quý sau 7 năm.

Theo đó, doanh thu MPC đạt gần 2.200 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 50% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận giảm từ 11% xuống còn 6%. Thêm vào đó, chi phí lãi vay tăng 3 lần so với cùng kỳ khiến lợi nhuận sau thuế của MPC âm 98 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 91 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý đầu tiên năm 2023, khiến MPC theo đuổi mục tiêu doanh thu gần 18.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.145 tỷ đồng trong năm 2023 ngày càng trở nên khó khăn hơn.

'Vua tôm', đại gia gà và trứng lỗ nặng

Tôm Minh Phú báo lỗ quý I. (Ảnh: MPC)

Tính đến cuối quý I/2023, tổng tài sản và tổng nợ của MPC đều giảm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, lần lượt còn 9.500 tỷ đồng và hơn 3.800 tỷ đồng.

"Đại gia" chăn nuôi báo lỗ

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu thuần đạt 2.313 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng vượt thu, dẫn đến lợi nhuận bán hàng và cung cấp dịch vụ âm hơn 70 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí lãi vay ngân hàng, chi phí bán hàng và quản quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế của DBC âm 320 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022, lãi hơn 25 tỷ đồng.

Tính đến hết quý I/2023, tổng nợ phải trả của DBC giảm 6,2%, còn hơn 7.800 tỷ đồng. Tuy khoản nợ phải trả người bán giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng các khoản nợ vay tài chính của DBC là 4.290 tỷ đồng, tăng 15,8% và chi phí cho người lao động hơn 71 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, chi phí chăn nuôi trong kỳ của DBC tăng cao, trong khi sức mua giảm, giá bán các sản phẩm trên thị trường ở mức thấp trong thời gian dài, dẫn đến kết quả chăn nuôi giảm mạnh so với cùng kỳ.

Theo giải trình của DBC, kinh tế quý I/2023 bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của giai đoạn hậu Covid-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi vẫn liên tục tái phát.

DBC là doanh nghiệp có thâm niên trong lĩnh vực chăn nuôi heo. Tổng đàn heo lên đến hàng triệu con, sản lượng cung ứng xấp xỉ 600.000-700.000 con/năm.

Lộc Trời bất ngờ báo lỗ

Năm 2023, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) tự tin đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc quý đầu tiên của năm, LTG có kết quả kinh doanh không mấy khả quan, khiến mục tiêu lợi nhuận năm ngày càng xa.

'Vua tôm', đại gia gà và trứng lỗ nặng

Lộc Trời bất ngờ báo lỗ (Ảnh: LTG)

Doanh thu quý I/2023 của LTG đạt 2.452 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng thuốc bảo vệ thực vật mang về 619 tỷ đồng (chiếm 25%); thu từ lương thực 1.675 tỷ đồng còn thu từ hạt giống cây trồng 112 tỷ đồng. Dù vậy, giá vốn hàng bán tăng gần 400 tỷ đồng, đẩy lợi nhuận gộp giảm 50%, xuống còn 273 tỷ đồng.

Thêm vào đó, chi phí tài chính tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm trước, lên 147 tỷ đồng, đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13 tỷ đồng. Kết quả, LTG báo lỗ sau thuế là hơn 81 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi 184 tỷ đồng.

"Đại gia" mía đường lợi nhuận đi lùi

Mặc dù lợi nhuận niên độ tài chính 2022-2023 của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) không lỗ nhưng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, doanh thu thuần đạt hơn 5.710 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng kinh doanh đường chiếm gần 91% cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 72%, vượt qua qua mức doanh thu, khiến lãi gộp của SBT chỉ thu về hơn 659 tỷ đồng, tăng 8%. Biên lãi gộp theo đó giảm từ 17,4% xuống 11,5%.

Qua đó, lãi ròng quý III niên độ tài chính 2022-2023 của SBT chỉ đạt hơn 149 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ.

Đáng nói, kết quả đi lùi của SBT hơi "ngược" so với bối cảnh giá đường thế giới tăng liên tục và chính thức chạm đỉnh trong vòng 11 năm, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc lo ngại nguồn cung toàn cầu khan hiếm, đe dọa duy trì áp lực lên lạm phát lương thực toàn cầu.

Ngọc Cương

Theo Nguồn infonet.vietnamnet.vn

'Vua tôm', đại gia gà và trứng lỗ nặng - Đầu Tư