Trong bài viết đăng trên Forbes, chuyên gia quân sự David Axe nhận định, trong hơn 10 tháng chiến sự với Ukraine, Nga đã để lộ một số điểm hạn chế trong kế hoạch tác chiến. Tuy nhiên, cuộc xung đột cũng làm nổi rõ nhiều lĩnh vực thành công của Nga, trong đó phải kể đến năng lực tác chiến điện tử.
Các hệ thống tác chiến điện tử đã được cả Nga và Ukraine sử dụng trong những tháng gần đây để định vị, phá vỡ và gây nhiễu tín hiệu điện tử và GPS từ vũ khí và máy bay không người lái đối thủ. Các tổ hợp vũ khí này dù không gây ra sức sát thương trực tiếp cao, nhưng có tác động gián tiếp tới cục diện chiến sự và có thể tạo ra bước ngoặt trên chiến trường.
"Sát thủ vô hình"
Một hệ thống tác chiến điện tử di động của Nga (Ảnh: Defense Express).
Vũ khí tác chiến điện tử thường được gọi là "sát thủ vô hình" vì đây là các khí tàiquân sựsử dụng năng lượng điện từ để tấn công hoặc làm gián đoạn hoạt động của đối thủ. Nó có thể vô hiệu mọi thiết bị sử dụng điện và có thể được thực hiện từ mặt đất, trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian mà không cần sử dụng tới thuốc nổ, hay các đòn đánh trực diện.
Theo Samuel Bendett, chuyên gia từ Trung tâm Phân tích Hải quân, các hệ thống này có thể được triển khai trên máy bay, tàu hải quân, hệ thống mặt đất và trực thăng.
Tác chiến điện tử gồm 3 thành tố cơ bản: Trinh sát, tấn công và bảo vệ. Với hoạt động trinh sát, lực lượng tác chiến điện tử thu thập thông tin tình báo qua định vị tín hiệu điện tử của đối phương. Với hoạt động tấn công, lực lượng tác chiến điện tử sẽ vô hiệu hóa hoặc làm giảm năng lực hệ thống của đối phương, trong đó có liên lạc qua vô tuyến, điện thoại di động, radar phòng không hoặc radar pháo binh. Thứ ba là đánh lừa đối phương để đạn bắn trượt mục tiêu.
Chuyên gia Bendett cho biết, mặc dù cả 2 bên đều đã sử dụng công nghệ này, nhưng Nga sở hữu kho vũ khí đa dạng hơn- từ các hệ thống chiến thuật tầm gần đến những hệ thống có thể tấn công đối thủ từ cách xa hàng chục km.
Năng lực tác chiến điện tử của Nga từ lâu đã được các chuyên gia quân sự đánh giá cao.
Năm 2018, tạp chí Foreign Policy trích lời các quan chức quân sự và các chuyên gia Mỹ cho biết quân đội Washington triển khai ở Syria phải liên tục phòng thủ trước những thiết bị tác chiến điện tử tiên tiến của Nga.
Các quan chức từng trải qua những vụ tấn công bằng các thiết bị trên cho hay, mức độ nguy hiểm của tác chiến điện tử không thua kém so với tấn công thông thường bằng bom và hỏa lực.
Hệ thống gây nhiễu Pole-21 của quân đội Nga (Ảnh: Forbes).
Theo giới chuyên gia, một nhiệm vụ tác chiến điện tử thành công có thể trấn áp mạng lưới thông tin truyền thông, hệ thống định vị và ngay cả máy bay.
"Gần như ngay lập tức, hệ thống thông tin sẽ ngừng hoạt động hoặc bạn sẽ không thể điều động hỏa lực, không thể cảnh báo sắp có hỏa lực bắn tới vì radar đã ngừng hoạt động và chúng không thể dò ra bất cứ thứ gì", cựu đại tá Laurie Moe Buckhout, một chuyên gia về tác chiến điện tử cho hay.
"Nó còn có thể trở nên nguy hiểm và gây sát thương lớn hơn các cuộc tấn công vũ khí thường vì nó vô hiệu hóa khả năng phòng thủ của đối phương", bà Buckhout nói.
Ngoài ra, chức năng cốt lõi của nhiều hệ thống tác chiến điện tử là cung cấp khả năng gây nhiễu đa phổ làm giảm khả năng duy trì thông tin liên lạc thông suốt của đối phương. Trong tác chiến hiện đại, thông tin liên lạc là chìa khóa để các đơn vị quân đội đồng bộ và hiệp đồng tác chiến vào các vị trí của đối phương.
Hơn nữa, thông tin liên lạc cho phép các đơn vị triển khai phía trước giao tiếp với tuyến sau trong các cuộc không kích và yêu cầu sơ tán y tế cũng như tiếp tế khi cần thiết. Thông tin liên lạc trở nên quan trọng hơn trong đô thị, nơi các chiến tuyến không được xác định rõ ràng. Khi các đơn vị di chuyển qua khu vực đô thị, họ có thể bị cô lập trong các khu vực do đối phương kiểm soát. Khả năng xảy ra kịch bản bắn nhầm đồng đội gia tăng cũng có thể tăng lên trong môi trường đô thị phức tạp nếu thiếu thông tin liên lạc thông suốt.
Thêm vào đó, nhiều hệ thống tác chiến điện tử có khả năng dò ra tần số vô tuyến của đối thủ, từ đó phát hiện ra các thiết bị phát sóng của phía bên kia. Môi trường tác chiến đô thị cho phép các quân nhân dễ ẩn nấp, nhưng các thiết bị phát sóng vô tuyến họ mang theo có thể bị hệ thống EW phát hiện.
Vũ khí không tiếng súng của Nga tại Ukraine
UAV TB2 của Ukraine từng gây ra thiệt hại lớn cho Nga ở thời điểm Moscow chưa triển khai đủ hệ thống tác chiến điện tử và phòng không để khắc chế (Ảnh: Quân đội Ukraine).
Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến ở Ukraine, Nga chưa triển khai đủ số lượng lớn vũ khí tác chiến điện tử ở Ukraine. Kết quả là, họ đã phải đối mặt với sự phản kháng mạnh mẽ từ đối thủ.
Khi đó, máy bay không người lái (UAV) TB2 Ukraine mua của Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện dày dặc trên truyền thông với những hình ảnh và tin tức về uy lực của dòng vũ khí này. Nhiều chuyên gia vào giai đoạn đó dự đoán TB2 có thể trở thành vũ khí làm thay đổi cục diện khi có thể làm chậm đà tiến của Nga trên chiến trường.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2 của chiến dịch quân sự, Nga đã đưa quân về Donbass - nơi họ triển khai mạng lưới tác chiến điện tử dày đặc hơn. Kết quả là TB2 đã gần như biến mất khỏi chiến trường sau khi đối mặt với mối đe dọa từ hệ thống vũ khí sát thủ vô hình của Nga.
Tại Ukraine, Nga đã triển khai hàng loạt khí tài tác chiến điện tử uy lực. Tổ hợp Krasukha-4 là một trong những nền tảng tác chiến điện tử tiên tiến nhất của Nga, có khả năng gây nhiễu tín hiệu, làm vô hiệu khí tài đối phương. Một hệ thống tác chiến điện tử trên không tiên tiến khác của Nga là máy bay ném bom chiến đấu Su-34, với tổ hợp Khibiny trên đầu cánh.
Trực thăng Mi-8MTPR-1 được trang bị hệ thống Rychag-AV với bộ gây nhiễu L187A có nhiệm vụ tác chiến điện tử (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).
Nga cũng có các trực thăng chiến đấu được tích hợp khả năng tác chiến điện tử, như Mi-8MTPR-1. Gần đây nhất, Nga đã lần đầu đưa UAV tác chiến điện tử Moskit tới chiến trường ở Ukraine. Dòng vũ khí này tuy không mang theo thuốc nổ nhưng có thể âm thầm làm tê liệt hệ thống thông tin, vũ khí của Kiev.
Ngoài ra, tại Donbass, Nga có triển khai hệ thống tình báo - tín hiệu TORN và SB-636 Svet-KU có thể xác định chính xác các đơn vị Ukraine bằng cách theo dõi tín hiệu vô tuyến của họ; RB-341V Leer-3 kết hợp UAV Orlan-10 có thể phá tín hiệu đối thủ, thiết bị gây nhiễu vô tuyến R-934B Sinitsa và R-330Zh Zhitel chặn liên kết vệ tinh.
UAV tác chiến điện tử Moskit của Nga (Ảnh: Eurasian Times).
Theo Forbes, hiệu quả của tác chiến điện tử Nga thể hiện rõ nhất trên chiến trường khi họ gần như đã bắt bài được ưu thế UAV của Ukraine trong giai đoạn đầu cuộc chiến. Vào những tháng đầu tiên, Ukraine gây ra không ít thiệt hại cho Nga nhờ thông tin tình báo từ UAV thu về để họ có thể tấn công các mục tiêu của Moscow chính xác hơn.
Tuy nhiên, các vũ khí tác chiến điện tử của Nga đã ngăn cản nỗ lực này. Các UAV Ukraine được triển khai thường mất khả năng điều hướng và liên lạc khi bị hệ thống tác chiến điện tử của Nga chặn tín hiệu.
"Việc ngăn chặn UAV Ukraine là rất quan trọng cho sự sống còn của các đơn vị quân sự Nga", các chuyên gia của viện RUSI (Anh) nhận định.
Các hệ thống tác chiến điện tử của Nga hoạt động hiệu quả nhất khi người vận hành có thời gian để thiết lập và phối hợp các chức năng khác nhau. Đó là lý do tại sao năng lực tác chiến điện tử của Nga rất đáng gờm ở khu vực Donbass, nơi các lực lượng thân Nga đã kiểm soát phần lớn trong 8 năm qua.
Đó cũng là lý do vì sao mà năng lực tác chiến điện tử của Nga chưa đủ mạnh khi họ đưa quân vào miền Bắc Ukraine và thủ đô Kiev hồi đầu chiến dịch quân sự. Các đơn vị Nga tiến công rồi rút lui khiến cho lực lượng tác chiến điện tử không đủ thời gian để thiết lập hệ thống.
Tại Donbass, các phi công Ukraine cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trên chiến trường khi Nga kích hoạt mạng lưới tác chiến điện tử có độ phủ rộng. Báo cáo của RUSI viết: "Các phi công Ukraine nhận thấy rằng họ thường xuyên bị nhiễu tín hiệu khi liên lạc không đối đất và không đối không, thiết bị định vị của họ bị chặn và radar của họ bị hỏng".
Theo RUSI, tại miền Đông, Nga thiết lập 10 tổ hợp tác chiến điện tử trên mỗi 20km tiền tuyến, gây ra không ít khó khăn cho đối thủ.
Các lữ đoàn Ukraine phụ thuộc vào 2 loại máy bay không người lái để định vị bộ binh và pháo binh Nga trên chiến trường là loại hạng nhẹ và hạng nặng. Tuy nhiên, theo Forbes, khi Nga kích hoạt vũ khí tác chiến điện tử, các UAV này bắt đầu đối mặt với tình trạng bị rơi thường xuyên.
RUSI ước tính, với các UAV cỡ nhỏ, chúng thường sẽ rơi sau 3 chuyến bay. Trong khi đó, các UAV cỡ lớn hơn thì "tuổi thọ" trung bình là 6 chuyến. "Tổng cộng, chỉ có khoảng 1/3 các nhiệm vụ triển khai UAV của Ukraine có thể được coi là thành công", RUSI nhận định.
Thiếu UAV hoạt động hiệu quả, Ukraine bị suy giảm khả năng kiểm soát hỏa lực dẫn tới việc pháo binh của Kiev có thể trở nên kém chính xác hơn trên chiến trường. Đây là điều bất lợi cho Kiev khi họ không có tiềm lực về pháo và hỏa lực dồi dào bằng Nga trong một cuộc chiến tiêu hao.
Năng lực tác chiến điện tử của Ukraine
Theo chuyên gia quân sự Valentyn Badrak, dù Nga đang có ưu thế vượt trội trong mảng vũ khí tác chiến điện tử, Ukraine cũng đang cố gắng để bắt kịp đối thủ.
Về cơ bản, kho vũ khí tác chiến điện tử của Ukraine có một số điểm tương đồng như của Nga - cả hai nước đều thừa hưởng phần lớn công nghệ từ Liên Xô và cùng nhau phát triển các hệ thống trước khi xung đột bùng phát.
Ở Ukraine, 2 công ty tư nhân Ukrspetszvyazok và Proximus là các nhà thầu phát triển năng lực tác chiến điện tử cho quân đội. Theo chuyên gia Badrak, các hệ thống tác chiến điện tử nổi bật của Ukraine là Enclave, Bukovel và Prometheus-MF5.
Tuy nhiên, các hệ thống tác chiến điện tử của Ukraine phải đối mặt với một số thách thức. Đại tá Ukraine Dmytro Kashchenko cho biết UAV được Nga tin dùng ở Ukraine có tên là "Orlan". Nó có thể bay ở độ cao 5.500-6.500m, thông số mà các hệ thống tác chiến điện tử của Ukraine không thể vươn tới.
Theo chuyên gia Badrak, một thách thức khác đối với quân đội Ukraine là khả năng Nga triển khai UAV Geran-2 trong thời gian qua. Ukraine và phương Tây nghi đây là UAV Shahed mà Nga mua từ Iran về và sơn lại. Nga đã nhiều lần bác bỏ tuyên bố này, nhấn mạnh họ chỉ dùng UAV nội địa trong chiến sự với Ukraine.
Theo giới quan sát, một vấn đề với Geran-2 là UAV này có khả năng chống lại các đòn tấn công từ các hệ thống tác chiến điện tử của Ukraine. Điều này làm gia tăng khó khăn cho Ukraine, vì họ không thể triển khai biện pháp đánh chặn giá rẻ để hạ các UAV giá thành thấp của Nga, mà buộc phải dùng tên lửa đánh chặn giá hàng triệu USD để vô hiệu Geran-2. Điều này gây ra sự lãng phí lớn về mặt kinh tế và về lâu dài không phải là chiến lược bền vững.
Tổ hợp tác chiến điện tử Silok-01 của Nga bị Ukraine thu giữ (Ảnh: Quân đội Ukraine).
Mặt khác, trong thời gian qua, Ukraine nhiều lần thông báo thu giữ các tổ hợp tác chiến điện tử tối tân của Nga trên chiến trường. Ví dụ, hồi tháng 9, Ukraine tuyên bố tịch thu được tổ hợp tác chiến điện tử tối tân Silok-01 của quân đội Nga sau khi Moscow rút quân khỏi Kharkov. Trước đó, Ukraine tuyên bố đã có được một số hệ thống tác chiến điện tử còn khá nguyên vẹn của Nga.
Điều đó làm dấy lên mối đe dọa rằng cho Moscow rằng Ukraine và đối tác phương Tây sẽ mổ xẻ và tìm ra được cách thức khắc chế thiết bị tác chiến điện tử hiện đại của Nga, đồng thời có thể sẽ góp phần tăng cường năng lực tác chiến cho các UAV của Kiev và làm giảm ưu thế của Moscow trên tiền tuyến.
Đức HoàngTheo Forbes, Newsweek, Business Insider