Ba tôi nhẩm tính số đám giỗ được mời trong tháng 7 âm lịch có khi bằng mấy tháng cộng lại. Có ngày nhà tôi ở Quảng Nam được mời tới 3-4 đám.
Mâm cúng đám giỗ ở vùng quê Quảng Nam - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
"Giỗ gộp" tháng 7 âm lịch
Chẳng ai chọn ngày mất nhưng thời điểm nhà tôi nhận được nhiều lời mời đi ăn đám giỗ nhất trong năm là dịp tháng 7 âm lịch.
Có những ngày như dịp rằm tháng 7 nhà tôi được mời tới 3 đám giỗ. Đến bây giờ, ngày 12 tháng 7 âm lịch nhà tôi vẫn được mời tới 4 đám. Tôi nhớ thời hai anh em học cấp 3, tới ngày này ba tôi cắt cử 4 thành viên trong nhà mỗi người đi 1 đám để vừa lòng bà con…
Thiệt ra lý giải cho điều này đều có nguyên do cả.
Ở vùng quê Quảng Nam của tôi thường chọn ngày làm giỗ "gộp", đám kỵ chung để tưởng nhớ nhiều người mất cùng lúc.
Trường hợp giỗ gộp rơi vào các gia đình là huynh trưởng, tổ chức đám để tưởng nhớ đối với những ông bà cách xa nhiều thế hệ.
Những đám giỗ "gộp" thường tổ chức khi tưởng nhớ ngày mất của những người cách xa 3-4 thế hệ. Người mất vào thời điểm quá lâu mà hậu thế không thể nào nhớ hết hoặc người mất không có con cháu nối dõi tông đường.
Lý do là vì trước ngày giải phóng, nhiều ông bà mất nhưng không thể xác định chính xác ngày. Chiến tranh loạn lạc, di dân liên tục, lại không có phương tiện liên lạc, nên khi người mất đi con cháu trông mong nhất là nơi tìm ra hài cốt, chứ khó lòng biết tháng ngày qua đời.
Có nhà vì có quá nhiều người chết đi mà không biết rõ tháng ngày nên thường tổ chức chung một ngày làm ngày giỗ gộp. Hoặc gia đình có nhiều người chết trẻ, như nhà tôi làm đám giỗ ông nội nhưng cũng là dịp đám giỗ của những người anh, em ông nội không may mất sớm.
Nhưng tại sao quê tôi lại tổ chức vào thời điểm rằm tháng 7?
Theo cách lý giải của ba tôi, việc này có lý do vì theo quan niệm tháng 7 là tháng cô hồn. Làm ngày giỗ chung dịp tháng 7, người đứng khấn không chỉ mời ông bà, tổ tiên mà mình tưởng nhớ về dự, mà văn khấn còn mời cả những người khuất mặt không nơi thờ phụng, những người "chết bờ chết bụi" không ai hay biết…
Cũng có thêm lý giải là thời điểm tháng 7 đến tháng 8 âm lịch là thời điểm làm giỗ đẹp nhất trong năm. Thời điểm này khách khứa và gia chủ không bận rộn sắm Tết, cũng là ngày nông nhàn. Mà đặc biệt nhất là dịp này ít tổ chức… cưới xin.
Có lẽ đây cũng là nét văn hóa tâm linh mang đậm nét nhân văn của vùng quê xứ Quảng quê tôi chăng?
Mâm cúng ngoài sân ở một đám giỗ xứ Quảng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Nhớ thời chưa có "công nghệ" đám giỗ
So với 20 năm trước đây thì nhiều đám giỗ ở miền Trung đã có sự thay đổi quá nhiều. Gia chủ và khách khứa gần như thong dong vì tất cả đã có dịch vụ lo.
Để chỉ sự thay đổi, hiện đại trong việc lo tiệc đám, như lời người ở quê hay nói là có "công nghệ đám giỗ lo".
Hiện nay các dịch vụ đám tiệc đã "bao show" trọn vẹn, miễn gia chủ đặt từ 4 bàn trở lên. Thậm chí gia chủ chỉ lo mỗi bộ đồ cúng, còn tiệc tùng, bàn ghế, chén bát giao phó cho dịch vụ hết.
Ngày trước khi còn ở quê, nhà tôi nuôi heo chờ đến đám giỗ ông nội là làm thịt để "trước cúng - sau đãi". Bà con đi đám giỗ chỉ mang lễ vật đến thắp hương. Chủ yếu là các loại bánh trái, rượu và thậm chí nem chả do chính tay gia chủ gói.
Vùng miền núi, bà con hay đi cúng các loại bánh ú, bánh ít lá gai. Gia chủ sau khi cúng xong thì dùng các loại bánh trái này làm món tráng miệng luôn. Nếu dư nữa sẽ cột trên xe đạp, xe máy của khách để mang về cho trẻ nhỏ.
Ngoài ra ở quê tôi, ngoài mâm cúng đám giỗ thì thường có thêm mâm phụ để mang đi thắp hương những người mới mất.
Thường những trường hợp mang đi cúng là hàng xóm, những người thân trong gia đình mới mất vẫn còn hương khói.
Sau khi gia chủ cúng xong mâm ở nhà thường sai con cháu mang lễ vật sang thắp hương trên bàn thờ người vừa qua đời.
Rình rang chút cũng không sao
Mỗi thời mỗi thế, ngày nay người người, nhà nhà bận rộn nên sự biến chuyển trong cách làm đám giỗ cũng là tất yếu. Điều quan trọng là dù xã hội có tiến lên công nghiệp thì nhiều người vẫn xem đám giỗ là dịp tưởng nhớ ông bà, gặp mặt con cháu quan trọng nhất trong năm.
Nhất là với nhiều bà con từ quê lên phố sống thì đám giỗ là dịp mà đông đủ con cháu, bà con cùng tề tựu về quê nhà nên có tâm lý rình rang chút cũng không sao, không nên quá khắt khe.
Đám giỗ, có nhiều cách tỏ lòng thành kính, xin đừng nhân danh sự tưởng nhớ
Có nhiều cách tổ chức đám giỗ đang được các gia đình thực hiện theo hướng nhẹ nhàng, giản tiện, thanh tịnh nhưng vẫn giữ được trọn vẹn lòng thành kính và sự trang trọng.
TRƯỜNG TRUNG