Nhật Bản và New Zealand cho biết Ukraine đã chính thức gửi đơn xin tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bà Yulia Svyrydenko, bộ trưởng kinh tế Ukraine, trưởng phái đoàn đàm phán gia nhập CPTPP của nước này - Ảnh: REUTERS
Ngày 7-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao New Zealand xác nhận nước này đã nhận đơn xin gia nhập chính thức từ Ukraine vào ngày 5-5.
Các bước tiếp theo trong quy trình cho Ukraine gia nhập sẽ do tất cả các thành viên CPTPP quyết định. Dự kiến các nước thành viên CPTPP sẽ gặp nhau tại thành phố Auckland của New Zealand vào ngày 16-7.
Theo Hãng tin Reuters, CPTPP bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Gần nhất là Anh trở thành quốc gia thành viên thứ 12.
Anh cũng là thành viên mới đầu tiên kể từ khi CPTPP được thành lập vào năm 2018, và là quốc gia châu Âu đầu tiên trong khối.
Ngoài ra, đơn gia nhập của Trung Quốc, Đài Loan, Ecuador, Costa Rica và Uruguay cũng đang chờ xử lý.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản, ông Shigeyuki Goto, nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng Nhật Bản, với tư cách thành viên CPTPP, "phải đánh giá cẩn thận liệu Ukraine có đáp ứng đầy đủ thỏa thuận hay không".
Hồi tháng 5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phê chuẩn một phái đoàn để tham gia đàm phán về việc nước này gia nhập CPTPP.
Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, bà Yulia Svyrydenko được cử làm trưởng đoàn nói trên và các thành viên khác bao gồm đại diện của Bộ Kinh tế, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp, Cục Hải quan và Văn phòng Tổng thống.
"Bộ Kinh tế dự kiến sẽ tham gia Hiệp định CPTPP vào đầu năm 2024… Điều này sẽ mang lại cho Ukraine cơ hội tự do hóa các hạn chế phi thuế quan đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ với các quốc gia trong khu vực, cũng như mở ra khả năng tiếp cận các thị trường mới.
Việc này cũng sẽ cho phép chúng tôi mở rộng khả năng tiếp cận với đầu tư trực tiếp nước ngoài", bà Svyrydenko cho biết.
Ukraine muốn bán các công ty nhà nước
Ukraine muốn bán các công ty nhà nước với giá cao. Họ tuyên bố mục đích để tăng cường ngân sách vốn phụ thuộc vào viện trợ, chấm dứt "di sản tham nhũng và quản lý sai lầm kéo dài".
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0