Tin thế giới 5-11: Trung Quốc phản đối vũ khí hạt nhân; Cộng hòa sẽ kiểm soát Thượng viện Mỹ?

05/11/2022 14:32
Tin thế giới 5-11: Trung Quốc phản đối vũ khí hạt nhân; Cộng hòa sẽ kiểm soát Thượng viện Mỹ?

 

TTO - Singapore ủng hộ nâng cấp quan hệ ASEAN - Trung Quốc; 14 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa; Mỹ tuyên bố viện trợ quân sự thêm 400 triệu USD cho Ukraine; Iran lách luật nhờ tiền điện tử… là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 5-11.

Tin thế giới 5

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp ngày 4-11 - Ảnh: REUTERS

* Trung Quốc tuyên bố phản đối vũ khí hạt nhân. Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 4-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định ông phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân tại châu Âu. Đây là phát biểu được xem là trực diện nhất của ông Tập về vấn đề ngăn cuộc chiến Nga - Ukraine leo thang, theo Hãng tin Bloomberg.

Cũng tại cuộc tiếp Thủ tướng Scholz, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi cộng đồng quốc tế loại bỏ mối đe dọa vũ khí hạt nhân, đồng thời hưởng ứng việc chống lại một cuộc chiến tranh hạt nhân nhằm ngăn chặn "một cuộc khủng hoảng trên lục địa Á - Âu".

Ông Tập còn cho rằng cần chung tay đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng lương thực và năng lượng, vốn đã gián đoạn từ lúc Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine hồi tháng 2 năm nay.

* 14 triệu người Ukraine rời bỏ nhà cửa vì chiến sự. Theo số liệu mới nhất của Liên Hiệp Quốc, số lượng người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào tháng 2-2022 đã chạm mốc 14 triệu người.

Tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tuần này, ông Filippo Grandi - Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn - mô tả cuộc di cư ồ ạt của người tị nạn này là cuộc di cư "nhanh nhất, lớn nhất xảy ra trong nhiều thập kỷ nay". Ông Grandi cảnh báo khi một trong những mùa đông khắc nghiệt nhất thế giới gần kề, người Ukraine phải đối mặt với hoàn cảnh vô cùng khó khăn, vì vậy cần được viện trợ nhiều hơn.

Tính tới ngày 1-11, có 7.785.514 người tị nạn Ukraine đã rời quê hương để đến các nước khác ở châu Âu. Trong số này, Ba Lan và Đức là những nơi nhận nhiều người tị nạn nhất với hơn 1 triệu người, trong khi đó CH Czech đứng thứ ba, đón 455.731 người. Những quốc gia khác xếp sau bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, và Tây Ban Nha, mỗi nơi nhận từ 100.000 tới 300.000 người.

Tin thế giới 5

Người Ukraine đi bộ băng qua Barabas, Hungary ngày 28-2-2022 - Ảnh: AFP

* Twitter sa thải một nửa nhân viên. Hôm 4-11, Twitter đã sa thải một nửa trong số 7.500 nhân viên của công ty này, sau khi chủ sở hữu mới là tỉ phú Elon Musk khởi động cuộc cải cách lớn.

Thông tin này đúng với những tin rò rỉ trước đó về việc một nửa nhân sự của mạng xã hội hàng đầu thế giới này phải đợi đơn cho thôi việc, chỉ vài tuần sau khi tỉ phú Musk tiếp quản. Một tài liệu nội bộ do AFP tiếp cận cho thấy "gần 50%" nhân viên Twitter chịu ảnh hưởng từ đợt cải tổ của Musk, và họ nằm trong diện không thể truy cập máy tính và email của công ty nữa.

"Tôi thức dậy và biết tin thời gian làm việc của mình tại Twitter đã chấm dứt. Thật đau lòng. Tôi đã bị loại", ông Michele Austin - giám đốc phụ trách chính sách công của Twitter tại Mỹ và Canada - cho biết.

*Dự báo Đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát Thượng viện Mỹ. Trung tâm nghiên cứu chính trị phi đảng phái Cook Political Reportdự báo Đảng Cộng hòa sẽ giành quyền kiểm soát Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 8-11.

Chuyên gia Jessica Taylor theo dõi cuộc bầu cử giữa kỳ của Cook Political Report dự báo cơ hội chiến thắng của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện gia tăng vì cử tri quan tâm đến tình trạng nền kinh tế và lạm phát nhiều hơn là vấn đề quyền nạo phá thai.

Tuy nhiên, bà lưu ý rằng vẫn có thể có một kịch bản là Đảng Dân chủ tiếp tục duy trì đa số mong manh tại Thượng viện. Đảng Dân chủ vẫn còn lợi thế vì nhiều ứng cử viêncủa đảng này không bị ảnh hưởng các vụ bê bối như một số chính khách của Đảng Cộng hòa.

* Tây Ban Nha đóng cửa một phần không phận, đề phòng rủi ro mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc. Nhà chức trách Tây Ban Nha đã thông báo tạm thời đóng cửa không phận tại vùng Catalonia (đông bắc) và 3 vùng khác trong ngày 4-11, khiến 300 chuyến bay phải hoãn, đề phòng các rủi ro khi các mảnh vỡ của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B (Trung Quốc) bay qua khu vực này trước khi rơi xuống vùng biển ngoài khơi Mexico.

Cơ quan khẩn cấp của vùng Catalonia thông báo quyết định đóng cửa không phận này nhằm đảm bảo an toàn cho các chuyến bay. Theo cơ quan vận hành sân bay Aena, khoảng 300 chuyến bay trong tổng số 5.484 chuyến đã lên lịch trình bay trong ngày 4-11 tại 46 sân bay của Tây Ban Nha phải hoãn chuyến do lệnh hạn chế vận tải hàng không này.

Tin thế giới 5

Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B Y4, mang theo module Mộng Thiên, được phóng vào quỹ đạo từ bãi phóng Văn Xương, tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc ngày 31-10-2022 - Ảnh: TTXVN

* Mỹ tuyên bố viện trợ quân sự thêm 400 triệu USD cho Ukraine. Hôm 4-11, Mỹ tuyên bố khoản viện trợ quân sự bổ sung 400 triệu USD cho Ukraine, bao gồm việc tân trang xe tăng T-72 và hệ thống phòng thủ tên lửa HAWK cho Kiev.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Sabrina Singh cho biết Mỹ sẽ trả phí tân trang cho 45 chiếc T-72 từ CH Czech, và hỗ trợ tân trang một số hệ thống HAWK. Reuters dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng CH Czech Tomas Kopecny xác nhận có tổng cộng 90 xe tăng do các nước khác cung cấp được hiện đại hóa, và phía Mỹ sẽ trả cho 45 chiếc.

* Iran bị tố lách lệnh trừng phạt bằng tiền điện tử. Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu blockchain cho thấy kể từ năm 2018, Iran đã có những khoản thanh toán bằng tiền điện tử trên một nền tảng giao dịch lớn với tổng giá trị 8 tỉ USD. Các giao dịch này giúp Iran tránh lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào việc tách Iran khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu.

Cụ thể, theo dữ liệu của Hãng nghiên cứu Chainalysis (Mỹ), khoảng 7,8 tỉ USD đã chảy từ Binance sang Nobitex và ngược lại. Nobitex là sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất của Iran, và website của công ty này có hướng dẫn cách xử lý đối với các lệnh trừng phạt.

Theo Reuters, một bài blog của Nobitex từ năm ngoái đã kêu gọi khách hàng sử dụng Tron, một loại tiền điện tử ít người biết, nhằm giao dịch ẩn danh và "không gây nguy hiểm cho tài sản do các lệnh trừng phạt".

* Mỹ và Canada trừng phạt hai chính trị gia Haiti. Hôm 4-11, Mỹ và Canada áp lệnh trừng phạt lên hai chính trị gia Haiti, bao gồm chủ tịch Thượng viện của quốc gia này. Washington cáo buộc các chính trị gia trên lạm dụng chức vụ để hỗ trợ vận chuyển ma túy và thông đồng với mạng lưới tội phạm ở Haiti.

Hai nhân vật trong lệnh trừng phạt mới nêu trên là Chủ tịch Thượng viện Haiti, ông Joseph Lambert, và cựu chủ tịch Thượng viện Youri Latortue. Theo lệnh trừng phạt, tài sản của hai người này ở Mỹ và Canada sẽ bị đóng băng, và về cơ bản người Mỹ sẽ không được phép giao dịch với các chính trị gia nêu trên.

Trong một tuyên bố về việc này, Bộ Tài chính Mỹ nêu: "Joseph Lambert và Youri Latortue đã lạm dụng chức vụ để vận chuyển ma túy và phối hợp cùng mạng lưới tội phạm, băng đảng để chà đạp luật pháp ở Haiti… Mỹ và các đối tác quốc tế của chúng tôi sẽ tiếp tục hành động chống lại những người tiếp tay cho vận chuyển ma túy, những người tạo điều kiện tham nhũng, và những người muốn thu lợi từ tình hình bất ổn ở Haiti".

* Singapore ủng hộ nâng cấp quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Hôm 4-11, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã có cuộc điện đàm theo đề nghị của phía Singapore.

Trong cuộc điện đàm trên, Ngoại trưởng Balakrishnan khẳng định hợp tác giữa Singapore và Trung Quốc rất giàu nội dung và đã cho thấy nhiều thành quả. Nhân cơ hội hàng loạt sự kiện quốc tế lớn trong khu vực diễn ra vào tháng 11 này, Singapore sẽ đánh giá sâu sắc kinh nghiệm hợp tác với Trung Quốc, thúc đẩy các dự án hợp tác then chốt, qua đó tăng cường hơn nữa kết nối giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc.

Theo Tân Hoa xã, ông Balakrishnan nhấn mạnh Singapore hoàn toàn ủng hộ việc nâng cấp quan hệ ASEAN - Trung Quốc lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

* Ngoại trưởng Mỹ và Nhật Bản thảo luận về các thách thức an ninh. Ngày 4-11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã có cuộc hội đàm tại thành phố Munster (Đức), bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7).

Nội dung chính thức của cuộc hội đàm chưa được công bố, nhưng theo Hãng tin Kyodo, hai bên có thể đã trao đổi về tình hình xung đột kéo dài hơn 8 tháng qua tại Ukraine, cũng như thảo luận về các biện pháp đối phó những thách thức an ninh ngày càng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ngoại trưởng hai nước đồng minh an ninh truyền thống này cũng tỏ rõ thái độ phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại khu vực.

* Hạn hán khiến nhiều loài động vật hoang dã chết hàng loạt tại Kenya. Trong 8 tháng qua, đã có 205 con voi và hàng trăm con thuộc 44 loài động vật hoang dã khác ở Kenya đã chết khi nước này nói riêng và khu vực Đông Phi nói chung đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 40 năm.

Phát biểu ngày 4-11 với báo giới tại thủ đô Nairobi, Bộ trưởng Du lịch Kenya, bà Peninah Malonza cho biết hạn hán kéo dài đã đe dọa các động vật hoang dã, khiến chúng không thể tìm được nguồn thức ăn và nước uống để duy trì sự sống.

Tại Kenya, du lịch đóng góp khoảng 10% thu ngân sách và sử dụng hơn 2 triệu lao động. Tham quan các vườn quốc gia với các loài động vật hoang dã là một trong những sản phẩm du lịch hút khách ở nước này.Ông Putin: Nga có thiện chí rõ ràng, sẵn sàng chờ đàm phán với Ukraine

 

NHẬT ĐĂNG

Theo Nguồn tuoitre.vn

Tin thế giới 5-11: Trung Quốc phản đối vũ khí hạt nhân; Cộng hòa sẽ kiểm soát Thượng viện Mỹ? - Tin Tức