Người dân thu dọn đống đổ nát bên ngoài một ngôi nhà ở Kiev (Ukraine) sau trận bắn phá của drone ngày 19-10 - Ảnh: GETTY IMAGES
Thiết quân luật cho phép quân đội ban hành lệnh giới nghiêm, kiểm soát tự do di chuyển, giám sát truyền thông, yêu cầu người dân tái xây dựng các khu vực bị bom đạn tàn phá, và thậm chí có thể tịch thu tài sản công dân khi cần.
Ông Putin "lâm vào tình thế vô cùng khó khăn"
Theo truyền thông phương Tây, dự thảo quy chế thiết quân luật có khả năng sẽ chú trọng áp đặt hạn chế di chuyển và tụ tập. Ông Max Bergmann, giám đốc chương trình châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định: "Thiết quân luật về cơ bản đồng nghĩa dừng sự quản trị thông thường của kinh tế và pháp quyền. Nó cho phép quân đội tịch thu tài sản người dân, các tòa nhà, cũng như triển khai các nguồn lực cần thiết".
Bốn khu vực có thiết quân luật lần này là những nơi Nga vừa sáp nhập ngày 30-9 vào lãnh thổ của họ mà Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết lên án vì bất hợp pháp. Theo ông Bergmann, thực tế sắc lệnh về thiết quân luật trên chỉ là sự chính thức hóa cho những gì diễn ra trên thực địa.
Các quan chức Mỹ và Ukraine khẳng định đây chỉ là động thái củng cố vị thế của Nga tại các khu vực mà Matxcơva đã đơn phương sáp nhập. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng ông Putin đang thể hiện sự "tuyệt vọng" tại Ukraine, trong khi Tổng thống Joe Biden nhận xét: "Tôi cho rằng Vladimir Putin tự nhận thấy mình đang lâm vào tình thế vô cùng khó khăn, và đối với tôi, đây có vẻ là công cụ cuối cùng mà ông ta còn trong tay".
Dồn mọi nguồn lựccho quân đội?
Bên cạnh lý do chính trị, phương Tây cũng phân tích về những toan tính của Nga khi ban hành thiết quân luật lần đầu tiên kể từ thời Liên Xô cũ. Giới quan sát cho rằng đây có thể là động tác đánh dấu bước chuyển biến quan trọng tiếp theo, khi Nga dồn toàn lực cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Một khả năng được bàn tới là việc Nga có thể sẽ tiến hành trục xuất người Ukraine tại các khu vực trên. Thư ký Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov viết trên Twitter: "Thiết quân luật của ông Putin tại các vùng sáp nhập... là hành động chuẩn bị cho việc trục xuất hàng loạt người Ukraine nhằm trấn áp các khu vực ở Nga, nhằm thay đổi thành phần sắc tộc tại các lãnh thổ chiếm đóng".
Khả năng thứ hai là ông Putin muốn dồn toàn bộ ưu tiên cho chiến trận. Các chuyên gia phương Tây cho rằng thiết quân luật có thể tạo "cửa hậu" để kéo thêm nguồn lực xã hội vào "chiến dịch quân sự đặc biệt" này mà không cần xem đây là một cuộc chiến tranh toàn diện.
Ngoài bốn vùng sáp nhập nói trên, ông Putin cũng ký một sắc lệnh hạn chế di chuyển tại bán đảo Crimea và các vùng Nga tiếp giáp Ukraine, bao gồm: Krasnodar, Belgorod, Bryansk, Voronezh, Kursk và Rostov. Ông Putin đồng thời tuyên bố "huy động nguồn lực kinh tế" tại các vùng này, mà theo giới phân tích phương Tây, đây là việc huy động tương tự thời Thế chiến 2, và gợi ý rằng cuộc chiến sẽ còn kéo dài hơn nữa.
NHẬT ĐĂNG