Một nhóm biểu tình phản đối việc cấm TikTok ở Washington, Mỹ, vào tháng 3-2023 - Ảnh: AFP
Tuy nhiên, lệnh cấm của Montana được cho là sẽ không dễ dàng cả về pháp lý và công nghệ.
Sau những lo ngại về việc Trung Quốc có thể tiếp cận dữ liệu người dùng trên TikTok khiến hơn 25 bang của Mỹ cấm ứng dụng này trên các thiết bị chính phủ, bang Montana tiến xa hơn một bước khi cấm hoàn toàn TikTok. Động thái này lập tức bị TikTok kiện ra tòa và đối mặt với câu hỏi làm sao để thực thi lệnh cấm.
Cuộc chiến pháp lý
Theo lệnh cấm được Thống đốc Greg Gianforte ký ngày 17-5 và dự kiến có hiệu lực từ tháng 1-2024, TikTok sẽ bị phạt 10.000 USD với mỗi lần người dùng truy cập mạng xã hội này, đồng thời có thể bị phạt thêm 10.000 USD mỗi ngày nếu người dùng đó tiếp tục sử dụng. Ngoài ra, các cửa hàng ứng dụng Google Play và App Store cũng sẽ bị phạt mức tương tự nếu để người dùng ở Montana tải TikTok về máy.
Động thái mới nhất cho thấy thái độ cứng rắn của các nhà làm luật Mỹ đối với nền tảng mạng này, bất chấp sự giải thích lẫn chỉ trích của Bắc Kinh và sau khi CEO của TikTok cũng đã điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 3-2023.
Điều khiến các chính trị gia của Mỹ và nhiều nước lo lắng là đạo luật năm 2017 của Trung Quốc yêu cầu các công ty trong nước phải tuân thủ khi chính phủ yêu cầu giao nộp dữ liệu vì mục đích an ninh quốc gia.
Không những vậy, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) còn cảnh báo Bắc Kinh có thể can thiệp vào các thuật toán của ByteDance, công ty mẹ của TikTok, để lan truyền tin giả. Đến nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn TikTok "bán mình" tại thị trường Mỹ nếu không muốn bị cấm.
Chưa rõ lệnh cấm của Montana sẽ được triển khai thế nào. Tổng chưởng lý Austin Knudsen cho rằng có thể ứng dụng công nghệ "khoanh vùng địa lý" vốn dùng hạn chế đánh bạc trực tuyến để cấm TikTok. Tuy nhiên các chuyên gia an ninh mạng đều "lắc đầu" về khả năng triển khai đầy đủ lệnh cấm.
Các cửa hàng ứng dụng trực tuyến không thể triển khai công nghệ này cho từng app và như vậy TikTok sẽ chịu trách nhiệm chính thực hiện lệnh cấm, trong khi đó Mỹ cũng không có công cụ kiểm soát việc truy cập mạng của người dân.
Ngoài ra, lệnh cấm cũng sẽ đối mặt với thách thức lớn về pháp lý và TikTok đã nộp đơn kiện ở Montana, nêu đích danh ông Knudsen. CEO TikTok, ông Chew Zi Shou, tự tin sẽ chiến thắng vì cho rằng động thái của bang Montana vi phạm quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp Mỹ bảo vệ trong khi chỉ dựa vào các nghi ngờ "vô căn cứ".
Đến nay chưa có bằng chứng nào về việc Trung Quốc can thiệp vào TikTok, trong khi cả Bắc Kinh lẫn nền tảng này đều khẳng định sẽ không làm vậy. Tuy nhiên, ông Knudsen cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng để ra tòa bảo vệ lệnh cấm của Montana.
Rủi ro phân mảnh Internet
Bất chấp những thách thức, nỗi lo của các chính trị gia Mỹ dường như ngày một lớn. Sự đồng lòng của lưỡng đảng đối với việc cấm TikTok đặt ra câu hỏi liệu các bang khác của Mỹ có theo gót Montana, và Quốc hội Mỹ có thể áp lệnh cấm trên toàn quốc không. Hồi tháng 3-2023, Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua đạo luật cho phép Tổng thống Biden quyền cấm TikTok.
Điều này một phần do căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc này khơi mào cuộc trả đũa qua lại giữa hai nước. Rộng hơn, động thái này cũng làm tăng sự phân mảnh Internet đầy nguy hiểm.
Trong khi đó, các nhà hoạt động và phân tích cho rằng lệnh cấm TikTok không thể giải quyết được vấn đề an ninh dữ liệu, trong khi lại hạn chế quyền tự do ngôn luận.
"Trong các nền dân chủ, chính phủ không thể cấm tự do ngôn luận hoặc tự do biểu đạt mà không có cơ sở vô cùng mạnh mẽ và phù hợp để làm như vậy. Rõ ràng chúng ta chưa có cơ sở đó" - tờ New York Times dẫn lời bà Caitlin Chin, chuyên gia của Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế, nhận định.
TikTok bị cấm ở những nước nào?
Các cơ quan hàng đầu của Liên minh châu Âu là Nghị viện, Ủy ban, Hội đồng châu Âu đều cấm nhân viên sử dụng TikTok. Tương tự, các nước như Canada, Úc, New Zealand, Đan Mạch, Bỉ, Na Uy cũng cấm TikTok trong khi Hà Lan khuyến khích không sử dụng ứng dụng này trên các thiết bị chính phủ.
Chính phủ Pháp cấm nhân viên chính phủ sử dụng TikTok, Twitter, Instagram và nhiều ứng dụng khác cho mục đích "giải trí". Các nước tham gia cấm TikTok còn có Anh, Estonia, Latvia và mới đây là Áo.
Tại Mỹ, TikTok bị cấm trên các thiết bị liên bang từ tháng 2-2023 và hơn một nửa số bang cũng đã cấm cài đặt ứng dụng này trên thiết bị chính phủ. Ngày 17-5, Montana trở thành bang đầu tiên cấm hoàn toàn TikTok.
Tại Ấn Độ, TikTok mất thị trường lớn nhất thế giới với 200 triệu người dùng khi chính quyền ở đây cấm hoàn toàn TikTok và một số ứng dụng của Trung Quốc từ năm 2020. TikTok cũng bị cấm triệt để tại một số nước như Afghanistan, Pakistan, Iran. Ngoài ra, vùng lãnh thổ Đài Loan cũng cấm TikTok trên các thiết bị công từ năm 2022.