Trong 9 tháng qua, cả nước có 563 vụ tai nạn liên quan trực tiếp lứa tuổi học sinh. Tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của 329 em, 528 em bị thương. Theo đó, việc giữ an toàn cho học sinh tới trường không chỉ cần sự phối hợp giữa nhà trường và các cơ quan chức năng, mà cần nâng cao nhận thức, giáo dục cho học sinh tính kỷ luật, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Cần tăng cường sự phối hợp trong việc giáo dục học sinh, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.Ảnh: Đức Quang.
Tràn lan vi phạm
Không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, vượt ẩu, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... diễn ra trên đường phố, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai giao thông. Tại một số trục giao thông như Quang Trung (Hà Đông), Quốc lộ 21B, đoạn qua địa phận huyện Thanh Oai… tình trạng những thanh thiếu niên còn khoác áo học sinh chở 3, chở 4, không đội mũ bảo hiểm phóng nhanh, lạng lách vẫn đang diễn ra.
Chị Nguyễn Ngọc Mây (quận Hà Đông, Hà Nội) có con học tại một trường THPT trên địa bàn quận không ít lần giật thót mình vì bị một vài bạn học sinh “tạt đầu” xe. “Các cháu điều khiển xe máy, xe máy điện rất nguy hiểm. Có lần tôi bắt gặp các cháu chơi đua xe với nhau, phóng nhanh để vượt các xe khác khiến nhiều người lúc đó phải phanh gấp không thì khó tránh khỏi tai nạn. Chính vì thế nên tôi thường sắp xếp thời gian đưa đón con hoặc cho con đi xe buýt chứ không để con tự đi đến trường”, chị Mây kể.
Hiện nay, số lượng học sinh đi xe điện đến trường tăng mạnh do nhiều gia đình bố mẹ bận công việc không thể đưa đón nên phải có phương án để con chủ động. Tuy nhiên, khi trang bị xe điện, nhiều phụ huynh “quên” mất việc trang bị kiến thức, ý thức khi tham gia giao thông cho con. Tốc độ của xe điện có thể lên tới 30 - 40km/giờ, khác xa xe đạp thông thường nhưng người điều khiển là các học sinh vẫn “hồn nhiên” không đội nón bảo hiểm, đi hàng 2, hàng 3 và "mù mờ" Luật Giao thông đường bộ.
Không chỉ xe điện, nhiều học sinh còn vi phạm luật giao thông nghiêm trọng hơn khi điều khiển xe phân khối lớn, chủ yếu là học sinh khối THPT. Mặc dù Luật Giao thông đường bộ quy định rõ, cấm đi xe máy khi chưa đủ 18 tuổi. Dù vậy, nhiều học sinh chống chế bằng cách gửi xe ở ngoài cổng trường, lựa chọn xe máy trên 50cc... Những hành vi vi phạm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, gây nguy hiểm cho những người đi đường và cho chính bản thân các em.
Nguy hiểm là vậy nên ngay từ đầu năm học, phụ huynh và học sinh đã ký cam kết thực hiện nghiêm Luật Giao thông với nhà trường, thế nhưng ký xong đâu lại vào đấy. Học sinh vẫn sử dụng “chui” xe máy còn phụ huynh thì tồn tại hiện trạng một số không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, thậm chí vượt đèn đỏ trong khi đang đèo con ở phía sau... Có người còn chở cùng lúc 2 - 3 cháu trên một chiếc xe máy phóng vù vù trên đường mà không hề đội mũ bảo hiểm, trong khi đó đã có quy định về độ tuổi phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Lý giải về việc này, các phụ huynh thường lảng tránh hoặc chống chế với nhiều lý do, chẳng hạn như: “Đang định đi đón con thì tôi có việc đột xuất phải xử lý. Khi xong việc thì đã quá giờ tan trường của con nên tôi vội quá, quên mang theo mũ bảo hiểm cho con”; hay “nhà gần trường tôi đi đón con có một tí cần gì đội mũ bảo hiểm”... Sự chủ quan của các bậc phụ huynh nhiều lần lặp lại có thể sẽ khiến trẻ bắt chước làm theo, từ đó hình thành thói quen xấu, không chấp hành luật khi tham gia giao thông, chủ quan khi điều khiển phương tiện trên đường...
Cần giải pháp thiết thực
Trước thực trạng mất an toàn giao thông (ATGT) trường học, nhiều giải pháp đã được các cơ quan chức năng, nhà trường phối hợp thực hiện.
Vừa qua, Đội Cảnh sát Giao thông (CSGT) số 10, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) tổ chức ra quân xử lý nghiêm các vi phạm là học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại khu vực quận Hà Đông (Hà Nội). Chưa đầy 20 phút, lực lượng CSGT đã xử lý 4 trường hợp vi phạm Luật Giao thông. Trong đó, không khó để bắt gặp trường hợp sẵn sàng tăng ga hoặc quay đầu bỏ chạy khi thấy lực lượng chức năng, nhiều trường hợp gọi điện thoại báo cho bạn bè để né tránh sự kiểm tra của CSGT.
Thiếu tá Quách Anh Tuấn, cán bộ Đội CSGT số 10, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết: Tại các cổng trường, hiện tượng học sinh - sinh viên tham gia giao thông không đội mũ rất nhiều nên chúng tôi đang kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm này, đặc biệt chúng tôi tập chung vào các nhóm đối tượng là học sinh vì hiện nay nhiều học sinh chưa đến tuổi điều khiển xe moto nhưng gia đình đã giao xe để các cháu đi lại gây nguy hiểm.
Ngoài việc mạnh tay xử lý các vi phạm giao thông đối với học sinh, cơ quan chức năng còn phối hợp với nhà trường tổ chức các buổi tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông cho học sinh. Trên địa bàn TP Hà Nội, ngày 2/10, Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội phối hợp Trường THCS Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tổ chức tuyên truyền, phổ biển giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT cho giáo viên, đại diện phụ huynh và toàn thể học sinh nhà trường. Trước đó 11/9, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cũng tổ chức buổi tuyên truyền về trật tự ATGT cho học sinh, giáo viên Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thông qua công tác tuyên truyền, sự hiểu biết về ATGT của thanh thiếu niên đã có chuyển biến tích cực.
Để xây dựng môi trường học đường đảm bảo ATGT, UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì ATGT đường bộ toàn cầu với sự vào cuộc của các tổ chức quốc tế về kỹ thuật, đào tạo và nguồn lực. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao mức độ ATGT, giảm thiểu tử vong và thương tích liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn TP Hà Nội, nhất là với học sinh. Hiện dự án đang được thí điểm ở Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông, Hà Nội).
Bà Nguyễn Thanh Vân - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du cho rằng, vấn đề ùn tắc gây mất trật tự ATGT tại khu vực cổng trường sẽ không thể giải quyết triệt để nếu thiếu sự phối hợp từ người dân, các bậc phụ huynh và học sinh. Để tuyên truyền cho mọi người biết về ý nghĩa của dự án và để thực hiện đúng, cần một kế hoạch tuyên truyền cụ thể, sinh động, dễ dàng đón nhận. “Chúng tôi cũng mong muốn, khi dự án đi vào hoạt động, tạo sự an toàn cho khu vực cổng trường thì số lượng học sinh có thể tự đi học sẽ tăng lên, giảm áp lực cho việc đưa đón học sinh”, bà Vân chia sẻ.
Có thể thấy, các giải pháp đã nhận về những tín hiệu khả quan, tuy nhiên thực tế cho thấy việc bảo đảm ATGT cho học sinh đến trường phải là việc làm thường xuyên, liên tục. Để làm tốt công tác này cần tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục học sinh, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, để các em nắm rõ các quy định cùng những mức độ xử phạt khi mắc phải; bên cạnh đó cần tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông, sát với tâm lý, lứa tuổi của học sinh.
Chủ đề: học sinh tới trường Giữ an toàn cho