LỜI TÒA SOẠN
Ngành chăn nuôi là sinh kế của hàng triệu nông dân Việt Nam. Thế nhưng, khó khăn từ thị trường, 'bão' giá thức ăn chăn nuôi kéo dài khiến không chỉ nông dân mà cả các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước thua lỗ nặng.
Trong khi đó, thịt nhập khẩu, thậm chí sản phẩm thải loại vẫn ồ ạt tràn vào, "đè chết" các trang trại nội. Còn sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu của Việt Nam phải chịu những rào cản kỹ thuật ngặt nghèo từ các nước, khiến ngành chăn nuôi Việt Nam vốn đã yếu thế càng khó chống đỡ. Người nuôi và doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt.
VietNamNet đăng tải tuyến bài phản ánh bức tranh ảm đạm của ngành chăn nuôi, để những nhà quản lý có thêm thông tin thực tế để sớm có các giải pháp cho ngành này.
"30 năm chăn nuôi, chưa bao giờ khó thế"
“Thời tiết nắng nóng, gà tiêu thụ chậm phải chen chân trong chuồng nên chết la liệt. Hôm qua, tôi vừa nhặt vứt hơn 1.000 con”, ông Lê Phương Hải - chủ trang trại chăn nuôi 500.000 con gà công nghiệp ở Long Thành (Đồng Nai) - buồn rầu nói với PV. VietNamNet.
Gắn bó với với con gà từ năm 1994, đến nay sắp tròn 30 năm, chưa bao giờ ông Hải thấy khó khăn như vậy. Thậm chí, ngay cả khi xảy ra dịch Covid-19, tiêu thụ gà cũng chỉ khó một thời gian rồi hồi phục ngay.
Còn giai đoạn hiện tại, ông liên tục phải bán gà dưới giá thành, gồng lỗ nặng. Gà công nghiệp (loại lông trắng) chỉ 19.000-21.000 đồng/kg. Mức giá này, ông lỗ 12.000-13.000 đồng/kg gà lông khi xuất chuồng. Gia đình ông có tổng cộng 5 trại, nuôi gối nhau nên tháng nào cũng có gà bán. Mỗi lần xuất bán khoảng 300 tấn gà/trang trại.
"Buồn hơn cả là gà tiêu thụ rất chậm. Trước đây, một trại gà xuất bán chỉ một tuần là hết, nay kéo dài tới 5 tuần. Có lứa bán chậm, thời gian nuôi lên tới 55 ngày, chi phí tăng nên càng lỗ nặng", ông kể.
Suốt một thời gian dài người chăn nuôi phải bán sản phẩm dưới giá thành, lỗ nặng (Ảnh: Nhật Sinh)
Năm ngoái lỗ nhiều. Năm nay còn lỗ nhiều hơn. Chỉ 4 tháng đầu năm, ông Hải nhẩm tính lỗ tới 5-6 tỷ đồng. Nhà cửa, sổ đỏ có bao nhiêu đem cầm cố hết để duy trì đàn gà. Nợ ngân hàng hơn chục tỷ đồng phải gánh lãi hàng tháng, giờ ông muốn vay thêm cũng không thể.
"Chăn nuôi quy mô lớn, con giống, cám đều ký kết với nhà phân phối. Giờ giảm đàn cũng khó. Bạn tôi, vì lỗ quá nặng nên khu chuồng trại nuôi gà công suất 1,2 triệu con/lứa buộc phải treo chuồng 3 tháng nay", ông chia sẻ.
Với giá gà công nghiệp như hiện nay, ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát, cho biết, những hộ chăn nuôi quy mô vừa đang lỗ “banh xác”. Trang trại lớn chăn nuôi công nghệ cao vẫn trụ được, nhưng cũng ngắc ngoải.
Nhiều hộ treo chuồng hoặc phải cho thuê chuồng. Ngay cả những hộ cho thuê chuồng trại thì đến giờ cũng không lấy được tiền vì dính "bão" giá thức ăn chăn nuôi, người thuê không có tiền trả.
"Lỗ hoài thì công nghệ cao cỡ nào cũng thua, bởi bão giá kéo dài suốt từ giữa năm 2022 đến nay và dự báo tới hết quý III", ông Quyết lo lắng. Vì thế, với giá gà công nghiệp hiện tại, người nuôi tốt cũng lỗ 10.000 đồng/kg khi xuất chuồng.
Thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, với gà ta, tháng 1/2023, người nuôi lỗ 7.000 đồng/kg, tháng 2 lỗ 10.000-11.000 đồng/kg, tháng 3 lỗ tới 13.000-14.000 đồng/kg. Trước đó, quý I/2022, người nuôi đã chịu lỗ 3.100 đồng/kg khi xuất chuồng, quý III lại lỗ hơn 7.000 đồng/kg, quý IV lỗ 12.300 đồng/kg. Cả năm ngoái, chỉ quý II là giá bán cao hơn giá thành, nhưng mức lãi không đáng kể.
Từng là nông dân xuất sắc với trang trại chăn nuôi lợn quy mô hơn 2.000 con ở Sơn Dương (Tuyên Quang), ông Hoàng Văn Chung cũng điêu đứng vì con lợn.
Ông tâm sự, năm 2021, dịch bệnh tấn công nên ông lỗ vài tỷ đồng, chuồng bỏ trống. Cuối quý I/2022, ông bắt đầu vào đàn lại nhưng cạn vốn, lo lắng dịch bệnh tái diễn nên chỉ nuôi 500 con.
"Nuôi đến khi lợn được xuất chuồng thì giá bắt đầu giảm. Từ đầu năm đến nay, tôi bán 4 lứa lợn thì 3 lứa lỗ nặng, 1 lứa hòa vốn", ông nói. Có lúc xuất bán lợn chỉ 46.000-47.000 đồng/kg, mỗi con lỗ gần 1 triệu đồng. Mấy hôm trước, ông may mắn xuất bán lợn giá 54.000 đồng/kg, vừa hòa vốn.
Thấy giá lợn đang nhích dần lên sau một thời gian dài chìm dưới đáy, nhưng ông Chung không thể tăng đàn. Bởi, sổ đỏ đã cầm cố ở ngân hàng vay lãi, giờ vẫn chưa trả được. Trong khi, đại lý cám cũng không cho nợ, bắt trả tiền tươi.
"Ngày trước giá lợn tốt, đại lý cám cho nợ cả vài trăm triệu mỗi lần. Bán được lợn tôi mới phải thanh toán. Giờ ngày nào tôi cũng phải chạy vạy, vay tiền mua cám cho lợn ăn từng bữa", ông nói.
"Ông lớn" cũng thua lỗ nặng
Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Công Bắc - Giám đốc Công ty chăn nuôi Lộc Phát BLLT - cho hay, mấy ngày nay giá lợn hơi tăng lên 54.000-56.000 đồng/kg, người chăn nuôi quy mô lớn tự chủ được con giống đã hòa gốc. Còn trước đó, cả một thời gian dài doanh nghiệp và người nuôi phải xuất bán lợn dưới giá thành, ôm lỗ nặng.
Công ty có quy mô 1.500 lợn nái, hơn 10.000-11.000 con lợn thịt thương phẩm. Mỗi tháng, ông xuất bán ra thị trường khoảng 2.000-2.500 con lợn thịt và một lượng lớn lợn giống.
Từ cuối tháng Giêng đến nay, ông luôn phải bán lợn dưới giá thành. Có thời điểm chỉ 46.000 đồng/kg, bán một con lợn lỗ gần 1 triệu đồng.
Các doanh nghiệp chăn nuôi cũng lỗ nặng dịp này (Ảnh: IT)
"Đó là tôi còn tự cung tự cấp được con giống, những hộ chăn nuôi nhỏ phải mua thì lỗ nặng hơn", ông chia sẻ. Do liên tục phải bán lợn hơi dưới mức giá thành, 4 tháng đầu năm nay, công ty của ông Bắc lỗ khoảng 6 tỷ đồng.
Lãi vay tăng đột biến, chi phí thức ăn cũng tăng cao, giá lợn hơi lại nằm dưới đáy khiến nhiều "ông lớn" ngành chăn nuôi thua lỗ nặng.
Quý I/2023, Tập đoàn Dabaco (DBC) báo lỗ kỷ lục 321 tỷ đồng. Trước đó, quý IV/2022 công ty này cũng lỗ gần 80 tỷ đồng.
"Ông lớn" Hoà Phát cũng báo lỗ 117 tỷ đồng trong quý I/2023. Đây là số lỗ lớn nhất của mảng nông nghiệp từ khi Hòa Phát tham gia lĩnh vực chăn nuôi (năm 2015) và là quý lỗ thứ hai liên tiếp.
Doanh thu quý I/2023 của Nông nghiệp BaF (BAF) cũng giảm 47%, xuống còn 816 tỷ đồng. Trong kỳ, lãi vay tăng đột biến khiến BAF lỗ thuần 3 tỷ. Tuy nhiên, nhờ nguồn thu từ việc thanh lý tài sản, công ty vẫn có lợi nhuận sau thuế gần 4 tỷ đồng, giảm 95,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) năm ngoái nổi lên với thương hiệu Heo ăn chuối Bapi, với tham vọng đạt 1 triệu con lợn trong năm 2023.
Song, suốt một thời gian dài giá lợn hơi ở mức thấp, các trang trại chăn nuôi lỗ nặng. Riêng HAGL, dù có lợi thế khi cho lợn ăn chuối loại sau xuất khẩu nhưng cũng khốn đốn. Vì thế, năm nay, HAGL xác định mảng chăn nuôi lợn không có lãi, đúng như thực tế diễn ra trong quý I. Doanh nghiệp buộc phải thận trọng hơn với các kế hoạch đề ra.
Tâm An