Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố quốc gia của ông sẽ gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - Ảnh: REUTERS
Ông Sunak tuyên bố CPTPP là quan hệ đối tác thương mại lớn ở châu Á - Thái Bình Dương. London đã trải qua nhiều cuộc đàm phán để gia nhập CPTPP trong gần hai năm qua.
Đây sẽ là thỏa thuận thương mại hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) lớn nhất của Anh.
Anh cũng là thành viên mới đầu tiên kể từ khi CPTPP được thành lập vào năm 2018 và là quốc gia châu Âu đầu tiên trong khối.
Theo văn phòng của Thủ tướng Sunak, CPTPP sẽ bao gồm thị trường hơn 500 triệu người và chiếm 15% GDP toàn cầu sau khi Vương quốc Anh trở thành thành viên thứ 12.
Cũng theo phía Anh, sự gia nhập của Anh sẽ đưa nước này trở thành "trung tâm của một nhóm các nền kinh tế năng động".
Anh còn xem việc gia nhập CPTPP là bằng chứng về việc "nắm bắt các cơ hội tự do thương mại mới hậu Brexit của" họ.
Ngoài ra, việc gia nhập CPTPP đáp ứng cam kết quan trọng của những người ủng hộ Brexit rằng ngoài Liên minh châu Âu (EU), Anh có thể tận dụng việc tham gia các khối thương mại khác với các nền kinh tế phát triển nhanh hơn so với các nền kinh tế lân cận.
"Chúng tôi là một quốc gia cởi mở, tự do thương mại, và thỏa thuận này thể hiện lợi ích kinh tế thực sự của các quyền tự do hậu Brexit của chúng tôi", ông Sunak tuyên bố.
Thủ tướng Anh khẳng định: "Là một phần của CPTPP, Vương quốc Anh hiện đang ở vị trí hàng đầu trong nền kinh tế toàn cầu để nắm bắt cơ hội việc làm mới, tăng trưởng và đổi mới".
Các thành viên của CPTPP hiện có Canada và Nhật Bản - cũng là thành viên G7. Các đồng minh lịch sử của Anh là Úc và New Zealand cũng tham gia hiệp định này.
Các thành viên CPTPP còn lại là Mexico, Chile và Peru, cùng với Malaysia, Singapore, Việt Nam và Brunei.